Trang chủ » Tin tức » Quy trình đấu nối, lắp đặt tủ điện công nghiệp chuẩn kĩ thuật

       Tủ điện công nghiệp thường được sử dụng trong các môi trường cần cung cấp điện với công suất lớn, chúng thường có kích thước lớn hơn so với các tủ điện dùng trong gia đình. Do đặc điểm này, việc lắp đặt tủ điện công nghiệp yêu cầu sự chính xác và cẩn thận tuyệt đối, vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với con người và kinh tế.

1. Tổng quan về tủ điện công nghiệp

Tủ điện công nghiệp được thiết kế để chứa và bảo vệ các thiết bị điện như công tắc, nút nhấn, cầu dao, biến tần, biến áp, biến thế và bảng điện. Thường có hình hộp vuông hoặc hình hộp chữ nhật, thiết kế của tủ điện công nghiệp phải đảm bảo độ bền, chắc chắn, an toàn và ổn định. Tủ điện công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong mọi công trình, từ những dự án nhỏ như nhà máy, xưởng sản xuất đến các kho lưu trữ.

Việc thiết kế và lắp đặt tủ điện phải tuân thủ các tiêu chuẩn và đạt chất lượng cao là yếu tố hàng đầu để đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị và dây chuyền sản xuất.

Trong tủ điện công nghiệp thường bao gồm các nhóm thiết bị sau:

Thiết bị đóng cắt:

        • Máy cắt khí (ACB)
        • Aptomat khối (MCCB)
        • Aptomat chống giật (RCCB, RCBO)
        • Aptomat nhánh (MCB)
        • Công tắc tơ (MC)
        • Rơ le nhiệt (MT)

Thiết bị điều khiển:

        • Bộ điều khiển PLC
        • Màn hình điều khiển, cài đặt và giám sát (HMI)
        • Nguồn
        • Rơle thời gian, rơle trung gian, rơle chốt
        • Phao báo mức
        • Cầu chì hạ thế
        • Các nút, đèn, công tắc

Thiết bị đo lường:

        • Biến dòng hạ thế
        • Công tơ
        • Vôn, ampe kế
        • Chuyển đổi Volts, Amps

Thiết bị bảo vệ:

        • Bộ bảo vệ quá dòng
        • Bộ bảo vệ sự cố nối đất
        • Bộ bảo vệ mất pha, quá áp, quá áp
        • Bộ chống sét

Các phụ kiện khác:

        • Các thanh cái để kết nối
        • Công tắc nhiệt độ để điều khiển quạt gió
        • Bộ tản nhiệt, làm mát tủ (quạt, máy lạnh)
        • Công tắc hành trình cửa, tủ điện chiếu sáng
        • Cầu đấu động lực, cầu đấu điều khiển
        • Máng đi dây
        • Thanh cài, gá thiết bị
        • Nhãn tên thiết bị
        • Dây điện
        • Đầu cốt, dây thít, mica, ruột gà,…

lắp ráp tủ

 

2. Quy trình lắp đặt tủ điện công nghiệp đạt chuẩn

Đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật, sơ đồ đấu nối tủ

Trước khi bắt đầu công việc lắp đặt tủ điện, kỹ thuật viên cần đọc và hiểu hoàn toàn bản vẽ kỹ thuật của tủ điện, bao gồm bản vẽ sơ đồ nguyên lý, sơ đồ đấu nối và bố trí thiết bị. Việc này giúp kỹ thuật viên chuẩn bị vỏ tủ điện, thiết bị điện cần lắp đặt bên trong, cũng như các vật liệu phụ trợ một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật còn giúp chuẩn bị các thiết bị và máy móc cần thiết cho quá trình lắp ráp tủ điện.

Chuẩn bị vật tư, thiết bị

Sau khi đã đọc hiểu kỹ các bản vẽ kỹ thuật của tủ điện, các kỹ thuật viên cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, máy móc và vật liệu phụ để tiến hành lắp ráp tủ điện.

        • Chuẩn bị vật tư chính: Các vật tư chính bao gồm các thiết bị điều khiển, thiết bị đóng cắt, thiết bị bảo vệ,… Các thiết bị này cần phải đúng chủng loại, đúng thông số kỹ thuật thể hiện trong bản vẽ kỹ thuật tủ điện.
        • Chuẩn bị vỏ tủ điện: Vỏ tủ điện là sản phẩm rất quan trọng, quyết định đến tuổi thọ của tủ điện và các thiết bị khí cụ điện lắp ráp bên trong. Việc lựa chọn vỏ tủ điện phải đảm bảo các yêu cầu về kích thước vỏ tủ, khả năng chống nước, chống bụi của vỏ tủ, chất liệu vỏ tủ điện, kết cấu vỏ tủ điện phải phù hợp.
        • Chuẩn bị vật tư đấu nối như: Thanh cái, Cáp điện động lực, cáp điện điều khiển, đầu cosse, jack nối,…
        • Chuẩn bị máy móc, thiết bị để lắp ráp tủ điện: Để quá trình lắp ráp tủ điện dễ dàng và nhanh chóng hơn, các kỹ thuật viên cần chuẩn bị tốt các thiết bị máy móc phục vụ cho quá trình lắp ráp.

Dán tên các thiết bị trên tủ điện

Để kết nối công việc nhanh chóng, cần dán tên thiết bị theo bản vẽ, để khi ghép không phải nhìn bản vẽ và tính toán lại số lượng thiết bị nhiều lần.

In tem nhãn bạn cần chú ý:

        • Sử dụng loại nhãn thích hợp;
        • Kích thước phông chữ phù hợp để xem;
        • Chiều dài nhãn phù hợp với từng thiết bị;
        • Chọn chế độ cắt để có các đường thẳng, đứt nét hoặc không cắt.

tên và loại tủ

Lắp ráp tủ điện công nghiệp

Việc lắp ráp tủ điện công nghiệp đòi hỏi sự kỹ thuật và chính xác, và thường được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Bố trí và lắp ráp các thiết bị chính vào tấm gắn thiết bị của tủ điện. Các thiết bị cần được sắp xếp một cách hợp lý và cố định chắc chắn để đảm bảo việc đấu nối dễ dàng và tránh tình trạng dây chồng chéo gây khó khăn và mất thẩm mỹ.

Bước 2: Bố trí và lắp ráp các vật liệu và thiết bị phụ như đèn báo, cầu chì, khay chứa cáp, v.v. Cần chú ý đến việc đấu nối dây để tránh tình trạng dây chồng chéo.

Bước 3: Đấu nối các thanh cái và cáp động lực.

Bước 4: Đấu nối cáp điều khiển.

Lưu ý: Cần đánh dấu 2 đầu dây cho các tuyến cáp động lực và điều khiển để tránh sai vị trí khi đấu nối và thuận tiện cho việc vận hành, bảo trì và sửa chữa tủ điện sau này.

Kiểm tra tủ điện và chạy thử

Sau khi hoàn thành việc lắp ráp tủ điện, các kỹ thuật viên cần thực hiện kiểm tra không điện trên toàn bộ tủ để đảm bảo an toàn và chính xác trong hoạt động của tủ điện công nghiệp. Quy trình kiểm tra bao gồm các bước sau:

        • Xác nhận các thanh cái, dây dẫn động lực và dây điều khiển được đấu nối đúng vị trí, theo sơ đồ nguyên lý và sơ đồ đấu dây.
        • Kiểm tra kỹ thuật siết chặt vị trí đầu cosse và điểm cực của các thiết bị.
        • Đảm bảo các tuyến dây được đánh dấu đầy đủ và các thiết bị được gắn nhãn tên.
        • Kiểm tra cách điện của các dây dẫn và cách điện tổng thể của tủ điện.
        • Vệ sinh tủ điện, kiểm tra và loại bỏ các dụng cụ, móc còn nằm trong tủ.
        • Kết nối vỏ tủ đến hệ thống đất để đảm bảo an toàn.

Sau khi hoàn thành kiểm tra không điện và kết nối vỏ tủ đến hệ thống đất, tiến hành các bước sau:

        • Cấp nguồn điện cho tủ và kiểm tra điện áp của các pha.
        • Kiểm tra hoạt động của các đèn báo (nếu có).
        • Cài đặt các thông số cho thiết bị điều khiển (nếu có).
        • Chạy thử tủ điện trong điều kiện không tải.
        • Chạy thử tủ điện trong điều kiện có tải.

Vệ sinh tủ điện

Sau khi hoàn tất các bước chạy thử tủ điện, công việc cuối cùng là vệ sinh để chuẩn bị đóng gói và vận chuyển tủ điện đến nơi lắp đặt. Sử dụng các thiết bị vệ sinh như máy hút bụi, bàn chải để làm sạch bụi bẩn, mảng sắt, lõi cáp điện và bề mặt vỏ của tủ điện.

Tủ điện được bọc kín trong thùng giấy hoặc bọc nilon trước khi vận chuyển đến nơi lắp đặt, nhằm bảo vệ chống trầy xước và tránh va đập gây hư hại cho vỏ tủ và các thiết bị điện bên trong.

Bộ phận QC nhà máy kiểm tra và ra biên bản

Bộ phận QC của nhà máy sẽ giám sát từng quy trình trên để đảm bảo sản phẩm được kiểm soát 100% ở tất cả các khâu.

Sau khi phần đấu nối tủ điện được kiểm tra, bộ phận kiểm tra chất lượng của nhà máy kiểm tra chất lượng của tủ điện để đảm bảo sản phẩm xuất xưởng không lỗi sau đó đưa ra báo cáo kiểm nghiệm xuất xưởng sản phẩm.

Đóng gói tủ điện

Tủ điện được đóng gói trong thùng giấy hoặc bọc nilon trước khi vận chuyển đến nơi lắp đặt để đảm bảo không bị trầy xước vỏ tủ, tránh va đập làm hư hại vỏ tủ và các thiết bị khí cụ điện bên trong.

Một số khách hàng trực tiếp đến test tủ điện tại xưởng thì tủ điện sẽ được đóng gói ngay sau khi chạy thử. Đối với những mặt hàng không được khách hàng kiểm tra tại xưởng, tủ điện sẽ được chuyển đến khu vực đóng gói và vận chuyển.

Tủ điện đã đóng gói

Trên đây là những kinh nghiệm và kiến thức căn bản về việc lắp ráp tủ điện công nghiệp mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn, hy vọng những thông tin cơ bản trên đã phần nào giúp các bạn hiểu thêm về quá trình lắp ráp và đấu nối tủ điện.

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý khách tới bài viết, sản phẩm và dịch vụ của HABT. Mọi thắc mắc xin quý khách vui lòng liên hệ để được giải đáp tận tình:

CÔNG TY CỔ PHẦN CHẾ TẠO THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ MÁY BIẾN THẾ HABT

Địa chỉ: Đội 9, Xã Đại Áng, Huyện Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam

Nhà máy: Khu Công Nghiệp Khai Sơn, Huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh

Điện thoại: 0906.235.458

Hotline: 0345.006.834

Email: infor@habt.com.vn